• Yêu Thương Và Phục Vụ

CARITAS VIỆT NAM: ĐẾN NHỮNG VÙNG NGOẠI BIÊN

  • Thứ tư, 11:06 Ngày 25/05/2022
  • CARITAS VIỆT NAM: ĐẾN NHỮNG VÙNG NGOẠI BIÊN

    Với tinh thần liên đới giữa các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS – Greater Mekong Subregion) trong việc thăng tiến đời sống con người và bảo vệ môi trường, đại diện Caritas Việt Nam có Nữ tu Trần Thị Bích Trâm, FMA và Nữ tu Phan Thị Lệ, FMM đã thực hiện chuyến viếng thăm đến cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia từ ngày 17/05/2022 đến ngày 20/05/2022. Cùng đồng hành có Thầy Phaolô Văn Thế Vinh, tu sĩ Việt Nam phục vụ 13 năm trên mảnh đất này.

    Cuộc hành trình bắt đầu với cuộc viếng thăm Caritas Cambodia nhằm cùng chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những câu chuyện, và sáng kiến hoạt động của nhau. Ông Ratana Kim, Giám đốc Caritas Cambodia nói lên tầm quan trọng của sự cộng tác “cùng nhau” để thăng tiến người nghèo và xây dựng xã hội. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong tinh thần tương trợ, học hỏi và hợp tác. Đó là những dấu hiệu khởi sắc cho những bước tiến xa hơn giữa Caritas Việt Nam và Caritas Cambodia.

    Tại trung tâm trẻ mồ côi (The Mekong Orphanage Center) do các Thầy phụ trách, nuôi dưỡng 20 em gồm cả người Việt và người Khmer từ sơ sinh cho đến trưởng thành. Một số em bị bỏ rơi tại bệnh viện trong đó có em chỉ mới 7 ngày tuổi, được các Thầy đưa về nuôi, một số các em khác do cha mẹ qua đời, bơ vơ không ai chăm sóc. Sau thời gian được nuôi dưỡng, được đến trường, và học nghề, các em có thể tự do chọn lựa tiếp tục sống tại trung tâm hoặc ra làm riêng.

    Theo Thầy Nguyễn Thanh Tùng (người mà các em gọi là Papa) có trách nhiệm chính tại trung tâm chia sẻ: “Nhìn các em quá đáng thương không ai chăm sóc, nên anh em đã cố gắng xin sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, xây dựng trung tâm, tìm mọi cách cho các em được dạy dỗ, học tập, sống đạo đức, có cái nghề sau này tự nuôi sống bản thân.”

    Để có cái nhìn thực tế về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, chúng tôi đã đến thăm 3 họ đạo Somrong Thom, Rack Dack, và Kumpung Chomlong thuộc tỉnh Kandal. Nơi đây có khoảng hơn 300 hộ gia đình người Việt sinh sống chủ yếu bằng nghề bắt cá, lượm ve chai, làm thuê, vv… Với thu nhập ít ỏi sống qua ngày, họ không có giấy tờ tùy thân và trẻ em thì không được đến trường. Ngoài việc thăm viếng, gặp gỡ, tặng quà, chúng tôi chia sẻ về những vấn đề về giáo dục, quyền và trách nhiệm của người di dân, những vấn nạn về buôn người qua con đường mại dâm, lao động nước ngoài.

    Trong khu vực nhà thờ Thánh Antôn, thuộc tỉnh Kampung Chhnang cách thủ đô Phnom Penh hơn 90km, nơi có 20 hộ gia đình đang sống sau lệnh di dời từ nhà bè lên bờ theo quyết định của chính quyền sở tại. Họ sống chủ yếu vào việc làm mướn, chặt đầu cá tại cảng cá, ve chai, bán hàng, thu mua và sửa chữa thiết bị điện vv… Theo chia sẻ của Nt. Đỗ Thị Thu Dâng: “Khi họ chuyển cuộc sống từ dưới ghe lên bờ, mọi cái đều bắt đầu lại từ đầu, ngay cả việc tập đi dép, đội nón, vệ sinh thân thể, cho đến tìm kiếm công ăn việc làm.” Tuy cuộc sống của họ dần dần ổn định, nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhất là thủ tục làm giấy tờ cho trẻ, học tiếng địa phương để đến trường, hội nhập v.v.

    Chúng tôi cũng đến thăm và tặng quà cho 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn đang sống tại Biển Hồ. Hầu hết họ đều sống chủ yếu nhờ vào việc đánh bắt cá trên sông. Không có giấy tờ, con cái sinh ra lớn lên cũng theo cha mẹ đi bắt cá, cũng không biết chữ, sống ngày nào biết ngày đó, không nghĩ đến tương lai. Nghèo lại nối tiếp nghèo!

    “Người nghèo lúc nào anh em cũng có bên cạnh” vang vọng trong chúng tôi khi gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện cuộc đời của những con người đang vẫy vùng trong những khó khăn chồng chất để tồn tại, nhưng chưa bao giờ họ được công nhận này. Chúng tôi cảm kích những tu sĩ nam nữ thầm lặng đã và đang hy sinh cả tuổi thanh xuân để phục vụ cho anh em đồng bào nơi đất khách quê người. Với sự dấn thân không biết mệt mỏi và tràn đầy yêu thương, họ âm thầm gieo vào đời những hạt giống hy vọng, gieo vào lòng người tình yêu thương đồng loại, và gieo vào Nước Trời những ánh sao sáng ngời.

    AHT

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan