• Yêu Thương Và Phục Vụ

Caritas TGP Sài Gòn: Mái ấm Hà Đông - Mái ấm đợi chờ

  • Thứ tư, 14:48 Ngày 26/08/2020
  • Caritas TGP Sài Gòn_ Mái ấm Hà Đông: Mái ấm đợi chờ

    Tận cuối hẻm 496 đường Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, mái ấm Hà Đông (thuộc Caritas TGP Sài Gòn) là ngôi nhà gần sát bờ sông. Nơi đây thường xuyên có khoảng 20 bệnh nhân, chưa kể người thân theo cùng, từ các nơi về thành phố tạm trú để chữa bệnh.

    Hiện nay bệnh nhân đều là người dân tộc. Buổi sáng đến thăm mái ấm tôi được gặp bác A Bút, bác Điểu Đơn và anh Hồ Mi Súng. Còn các bệnh nhân khác, em Hường (Caritas) quản lý mái ấm cho biết, họ đã được anh Tranh (Caritas giáo xứ Bến Hải) đưa đi khám bệnh, điều trị tại bệnh viện Ung Bướu. Người nào khám xong, trưa về lại mái ấm, nhưng hầu hết chờ khám đến chiều tối họ mới được đưa về. Để từ mái ấm Hà Đông này họ bắt đầu quãng ngày chờ đợi…chờ kết quả khám bệnh…đợi lịch siêu âm hóa trị…chờ ngày tái khám…và đợi ngày hết bệnh trở về nhà

    Ba người tôi gặp sáng hôm đó cũng đang nóng ruột đợi chờ…

    Bác A Bút

    Bác A Bút, 61 tuổi, người dân tộc H Ngao, nhà ở KonTum. Bác đi rẫy bị rắn cắn hai chân, đưa lên thành phố tạm trú ở mái ấm chữa trị, cứu được một chân, còn chân kia hoại tử phải cưa mất. Hôm nay trông bác đã tươi tỉnh. Ngày về buôn làng bác đợi chỉ còn nay mai.

    Bác Điểu Đơn, 80 tuổi, người dân tộc Stiêng, nhà ở Bù Đốp, Bình Phước. Già cả thế mà vẫn phải đi lượm ve chai. Một lần chẳng may bác giẫm phải miểng sắt. Bàn chân phải bị nhiễm trùng, sưng tím. Các con đưa bác lên mái ấm Hà Đông. Tại đây Soeur Hoa phụ trách mái ấm đã xin Caritas hỗ trợ giấy tờ, tiền bạc, đưa bác vào viện 1A Lý Thường Kiệt chữa trị. Thế nhưng khi nghe bác sĩ đề nghị cắt chi, bác Điểu Đơn một mực từ chối, bắt con đưa về Bù Đốp. Về nhà 2 tuần, vết thương bắt đầu lở loét thối rữa. Thật may gần nhà cha Xứ Vương đến thăm và cha tức tốc thuê xe đưa bác Đơn lên lại mái ấm Hà Đông để tiện cấp cứu cho bác. Hết chịu nổi, lần này bác mới để bác sĩ cưa đi bàn chân phải. Ấy vậy nghe kể, sau khi giải phẫu, các con bác vẫn nằng nặc đòi bác sĩ bàn chân đã cưa của cha để về quê chôn cất…

    Hôm nay thấy bác Đơn ngồi ăn cả tô cơm đầy, bác chắc hẳn rất vui, giờ chỉ còn chờ đợi vết cắt mau lành để về nhà thôi!

    Bác Điểu Đơn trước khi cưa chân (khi mới đến Mái ấm)
    Bác Điểu Đơn sau khi cưa chân

     

    Anh Hồ Mi Sùng cùng vợ và con

    Riêng anh Hồ Mi Súng, 40 tuổi, quê Lạng Sơn, hai vợ chồng cùng 4 con di dân lên ĐắcLắc làm thuê. Ngày anh chờ đợi được về quê chắc cũng sẽ rất sớm…

    Kể về tình trạng của anh, em Hường (Caritas) mắt đỏ hoe, long lanh xúc động:

    “Anh Mi Súng bị ung thư não, di căn sang phổi, có một khối u ở háng, đã cắt một bàn chân phải. Ở giai đoạn cuối này, anh thường xuyên phải uống thuốc giảm đau.” Anh và các bệnh nhân ung thư khác, việc phải chờ đợi…cùng với cơn đau thể xác, song hành như hình với bóng. Mỗi khi màn đêm buông xuống là thời gian dài đằng đẵng của họ.

    Không phải chỉ có bệnh nhân mới ở tâm trạng chờ đợi. Một bác ở túp lều con hẻm đối diện mái ấm, cũng hàng ngày hai buổi, sáng chờ đến 11g30 và chiều chờ đúng 6 giờ để chạy qua mái ấm nhận cà mên cơm. Đó là trường hợp của bác Bành Văn Hoàng, 71 tuổi, vợ chết, một mình sống lang thang, tiền lượm ve chai đủ trả tiền thuê mái hiên nhà kho của một công ty, hết 500 nghìn một tháng. Ba tháng nay nhờ là hàng xóm của mái ấm Hà Đông nên bác Hoàng đã được hai bữa ăn no.

    Đến thăm mái ấm, tôi rất ấn tượng về các chị em, cô chú… đang phục vụ các bệnh nhân tạm trú trị bệnh nơi đây. Cô Lý nhà ở giáo xứ lạng Sơn mỗi ngày đến lo cơm nước, nấu xong thấy cô lại hớt hải chạy về nhà để lo cho gia đình nhỏ của mình. Anh Tranh tài xế 24/7, bất kể ngày đêm, gọi là có mặt để đưa đón cô bác đi chữa bệnh. Và cả bà con sống gần mái ấm, hoặc ở đâu không biết thỉnh thoảng ghé đem cho mớ rau, rổ khoai, thùng nước…Tất nhiên cảm kích nhất, là các em đang trực tiếp ngày đêm chăm sóc cho các bệnh nhân ở mái ấm.

    Bác Bành Văn Hoàng

    Nghe kể, các bệnh nhân người dân tộc được lên thành phố chữa bệnh giống như đi ra nước ngoài. Họ bỡ ngỡ mọi thứ, lại không biết tiếng Kinh! Các em ở đây phải làm hồ sơ nhập viện, nộp và bám sát từng trường hợp đến khi xuất viện ...Thậm chí các em phải hướng dẫn họ cả về lối sống văn minh, vệ sinh sạch sẽ trong thời gian tạm trú ở mái ấm.

    Và giống như bệnh nhân của mình, đêm về các em ít khi nào được một giấc ngủ trọn vẹn. Họ đau rên trằn trọc, các em cũng thao thức theo, và cũng tâm trạng đợi chờ…bình minh như họ. Cảm phục những tấm lòng hy sinh phục vụ ấy, tôi liên tưởng đến những Thiên Thần bé nhỏ Chúa đã gửi đến mái ấm này.

    Mái ấm Hà Đông - Mái ấm đợi chờ. Mái ấm cũng đang chờ mong những tấm lòng quảng đại giúp đỡ của anh chị em chúng ta. Dù đã có những Thiên Thần bé nhỏ của Chúa đang ngày đêm phục vụ ở đó, nhưng hãy…đến mà xem, đến để cảm nhận, và để được nhìn thấy Chúa qua những người anh em khốn khổ của mình.

    Nguyễn Anh

     * Mọi chia sẻ, giúp đỡ xin liên hệ:

    Văn phòng Bác Ái Xã Hội - Caritas

    Tổng Giáo Phận Sài Gòn

    180 Nguyễn Đình Chiểu.P6. Q3, TP.HCM

    TK: CARITAS TGP.TPHCM.

    Số TK: 130306119 - Ngân Hàng ACB - PGD Trương Định

    ĐT: 028 3930 9060

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan