Caritas TGP Sài Gòn: BÀI HỌC THỜI COVID
Để lớn lên người ta cần trải qua kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm ấy kết nên nhiều bài học quý giá mà không gì mua được. Chúng được đánh đổi bằng hi sinh, thất bại và có khi cả máu. Hơn bao giờ hết, tôi đang được dạy cho những bài học như thế về tình người. Cơn đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới là dấu chỉ của thời đại. Lòng trắc ẩn của nhiều người trong cơn đại họa này dạy tôi về một thái độ sống khác.
Khi “Covy 19” tuổi đi du ngoạn thăm viếng khắp thế giới, “cô” đã gây ra nhiều thay đổi trong đời sống xã hội. Việc thích ứng và đối diện với bấp bênh, bất ổn mà không ai biết hồi kết của chính mình cũng như của người khác đã khiến cuộc sống con người có nhiều đổi thay. Thay vì ra ngoài để gặp gỡ, làm việc…, người ta phải ở trong nhà. Với nhiều người, nhà là nơi an toàn nhưng không phải ai cũng an tâm ở lại trong nhà giữa cái đói, cái nghèo và thiếu thốn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người có nhà mà chẳng thể về vì sự an toàn của những người thân yêu. Họ đang là những tình nguyện viên, bác sĩ, y tá ngày đêm chăm sóc cho các bệnh nhân. Không thể trở về ngôi nhà vật chất, họ đã tìm về ngôi nhà linh thiêng là trái tim mình, nơi tình yêu đang ngự trị. Tôi cũng học cách đi về ngôi nhà trái tim thân thương của mình qua cử chỉ yêu thương, sẻ chia cho những người khó khăn. Trên con đường trở về, tôi thấy hy vọng vì đã gặp rất nhiều tấm lòng nhân ái. Tình người đang được thắp sáng dù trong cảnh bệnh dịch, chết chóc. Lúc này, nhiều người đến “nhà” của nhau bằng con tim. Tình người được chia san không phân biệt sang, hèn.
Ra khỏi ngôi nhà an toàn, tôi bắt gặp những đứa trẻ nô đùa nơi xóm rác, xóm ma. Tôi đã gặp nhiều mảnh đời sống trong những ngôi nhà tạm bợ trên khu đất tranh chấp. Đâu đó vẫn còn người lấy gầm cầu làm nhà. Họ sống trong nỗi sợ bị đuổi đi. Cái lán nhỏ trên dòng kênh đen đầy rác và đủ mùi hôi thối là nơi nghỉ trưa của nhiều người. Hay những căn phòng trọ chật hẹp khoảng 4m2, thiếu ánh sáng và không khí là nơi sinh sống của cả gia đình. Hiện rõ trên gương mặt người cha – người mẹ đầy vẻ khắc khổ một nỗi lo âu. Họ không biết ngày mai lấy gì để nuôi sống các con khi không thể đi bán vé số, lượm ve chai trong những ngày toàn xã hội cách ly. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ. Chúng vẫn vô tư, vui cười và đầy sáng tạo để tìm ra những trò chơi trong căn phòng trọ nhỏ bé.
Mỗi lần tiếp xúc với họ, tôi cảm nghiệm: “Cuộc sống quá nhiều nỗi sầu lo từ tinh mơ tới lúc chiều tàn”. Họ đang phải vất vả tìm cách để có được nhu cầu căn bản của con người là đói ăn, khát uống. Con tim tôi đau nhói khi nghe họ chia sẻ,: “Bây giờ gia đình không còn gì để ăn. Con tôi đói… Dù có bị nhiễm bệnh tôi cũng phải lao ra đường, kiếm gì làm để con tôi có ba bữa ăn”. Đứng trước những hoàn cảnh như thế tôi chẳng thể nói lời nào. Lặng lẽ trở về với lòng mình, khắc khoải dâng tất cả lên Chúa Giêsu Thánh Thể và tin tưởng Chúa sẽ lo liệu.
Thật tuyệt diệu khi Caritas của giáo phận và rất nhiều ân nhân có chương trình hỗ trợ người nghèo đặc biệt là người bán vé số, lượm ve chai, người già… Được mời gọi cộng tác trao quà là phần cơm, thùng mì gói, bình nước mắm hay một ít gạo và thực phẩm khô… tôi cảm nhận một niềm vui sâu xa. Mỗi buổi trưa, khi trao cho họ phần cơm, tôi thấy họ nhận đầy trân trọng và vui mừng. Niềm vui đến với họ thật giản đơn. Hương vị của niềm vui cuộc sống, điều mà nhiều người đã dành thời gian, công sức tìm kiếm nhưng không dễ dàng cảm nếm được. Dù thiếu thốn, họ vẫn sẵn sàng nhường phần cơm cho người khó khăn hơn. Cử chỉ yêu thương ấy cho thấy họ luôn hy vọng vào điều tốt lành. Niềm tin mạnh mẽ của họ vào tình yêu mang lại hạnh phúc và ủi an con người trong mọi nghịch cảnh.
Tôi thiết nghĩ, khi mình chấp nhận cuộc sống, không quá đòi hỏi thì mình sẽ tìm thấy sự bình an, niềm vui ngay trong khó khăn và bấp bênh. Điều này cũng cật vấn tôi, làm thế nào để sống quan tâm và yêu thương người khác. Tôi nhận ra mình đang được bao bọc bởi tình thương của Thiên Chúa và gia đình. “Người ngăn trước ngừa sau để tôi luôn được an toàn”, điều mà lẽ ra người khác cũng được hưởng. Bấy lâu nay tôi không mảy may bận tâm đến những người quanh tôi. Rất nhiều người vất vả tìm một chốn an toàn để gối đầu. Họ kiếm một bữa cơm đủ để lót dạ qua ngày. Đều là người như nhau nhưng sao tôi lại được ưu ái hơn trong khi người khác lại sống trong cảnh khốn khổ? Tôi nhận ra mình đã được Thiên Chúa quá yêu thương và cưng chiều trong nhà của Ngài. Còn tôi, tôi thật nhát đảm khi chỉ biết vun vén sự an toàn của mình. Trong khi người ta phải giành giựt từng hơi thở để duy trì sự sống thì tôi lại phí phạm sự sống mình. Tôi tự hỏi, tôi đã đóng góp gì cho xã hội, cho những người khốn khó ấy. Tôi gặp họ lúc này và chính họ giúp tôi bước ra khỏi mình - chia sẻ và sống cho người khác.
Tôi xác tín vào Lời Chúa “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với tôi vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Covid đến giúp cho tôi nhận ra tình yêu thương giữa anh em đồng loại. Tôi sống bớt đố kị, ghen ghét để cùng với mọi người vượt qua khó khăn; sẻ chia yêu thương và quan tâm đến nhau nhiều hơn. Trong khó khăn của cơn đại nạn, tình yêu làm trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Cảm nghiệm này giúp tôi sống tâm tình tạ ơn. Tôi khát khao sống sự hoán cải bằng cả trái tim chứ không còn là những quyết tâm trên lí trí. Ước mong tôi gặp được tình Chúa, và gặp được tình người trong hành trình bước theo Giê-su mỗi ngày…
Nhà tôi ở dưới gầm cầu
Đêm nằm che gió, che sương qua ngày
Nằm đây mà ngẫm sự đời
Bấp bênh trôi nổi không lời oán than.
Than ai than phận thân mình?
Không sinh giàu có lầm than cơ bần.
Cuộc đời phút chốc qua đi
Yêu thương xây đắp tình người mai sau.
Maria Trần Ngoan, fmm
Teresa Cù Thị Bích Hạnh, fmm
Danh Sách Ân Nhân Đóng Góp
24. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc từ 27/9 - 30/09/2024
23. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 26/09/2024
22. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 25/09/2024
21. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 24/09/2024
20. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 22-23/09/2024
10. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 12/09/2024
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM
Người online: 45 | Tổng lượt truy cập: 3,450,731