• Yêu Thương Và Phục Vụ

BẾP ĂN TÂN SA CHÂU: Những Chiếc Lá Rách

  • Thứ tư, 16:27 Ngày 21/08/2019
  • Sài gòn, một thành phố xa hoa diễm lệ. Một thành phố năng động với những con người hối hả tất bật chạy theo những công việc. Thế nhưng, bên cạnh những sự hào nhoáng và sôi động ấy, một góc lặng nào đó của Sài gòn lại có những mảnh đời bất hạnh, những câu chuyện đời cần có người lắng nghe, chia sẻ và giãi bày. Nhờ chuyến đi thực tế tại bếp ăn giáo xứ Tân Sa Châu trong chương trình huấn luyện Caritas, tôi đã có dịp tiếp xúc và lắng nghe những con người đang ngày đêm chật vật với cuộc sống, kể cho mình nghe về câu chuyện của họ, về hoàn cảnh sống của họ, điều mà ta tưởng chừng như không có gì có thể bi đát hơn thế nữa.

    Những con người mà tôi tiếp xúc nơi đây đa phần họ là những người mưu sinh bằng những công việc nhỏ bé trong xã hội như: bán vé số, thu gom ve chai, xe ôm, thợ hồ… hoặc họ có thể là những người không còn sức lao động và mỗi ngày đến với bếp ăn để tìm cho mình một bữa cơm qua ngày. Đến và tiếp xúc với họ, tôi được nghe họ tâm sự những câu chuyện, những hoàn cảnh của họ, những câu chuyện khiến tôi phải cảm phục và xúc động.

    Nếu vào lúc tối chúng ta được chăn êm nệm ấm, được một giấc ngủ ngon, thì đâu đó của Sài gòn lại có một bà cụ gần 65 tuổi đang phải lọc cọc với chiếc xe đạp cũ rích, gom từng chai nước, từng vỏ bánh nhôm để cho đầy túi ve chai của mình và sáng hôm sau bà lui tới xe bánh mì 2 ngàn tại sân giáo xứ Tân Sa Châu để tìm cho mình một bữa ăn sáng và một chỗ ngủ. Có lần bà cụ khoe với tôi rằng: “Thầy ơi! Đây là thành quả của con suốt một đêm qua đó. Giờ con tìm chỗ nghỉ trưa rồi lại đi nhặt tiếp”- bà chỉ vào chiếc túi trên chiếc xe đạp của mình cùng với một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt đầy khắc khổ. Hoặc như, khi trời mưa gió, chúng ta mong tìm được một nơi khô ráo nào đó để làm việc, để trú mưa, thì đối với họ, họ phải chật vật bán từng tờ vé số để có thể đủ tiền trả tiền nhà trọ cuối tháng, dẫu cho rằng mỗi một tờ vé số họ chỉ lời một ngàn hai. Một cô bán vé số tâm sự với tôi rằng: “Trời mưa bán khó lắm cháu ạ, chẳng ai ra đường để mà mình mời. Chắc chiều này phải trả sớm thôi.” – Cô nói với một nét mặt chán trường cùng với một xấp vé số còn khá nhiều trên tay. Hay như một chú trong quán cơm cũng chia sẻ với tôi rằng: “Tôi đi nhặt ve chai như vầy thằng con cả và anh em tôi, chúng nó cũng không đồng ý đâu cậu ạ, nhưng biết sao bây giờ khi mà tôi phải chăm cho đứa con gái đang bị tâm thần và bà vợ với căn bệnh tiểu đường” – ông cười và tiếp tục dùng bữa.

    Điều mà tôi cảm nhận được khi đến bếp ăn này đó chính là tôi được nhìn thấy hình ảnh của Đức Giêsu Kitô nơi họ. Một Đức Kitô với những vết thương khổ hình được hiện diện nới những con người đầy khó khăn trong cuộc sống. Họ từ khắp nơi trong Sài gòn nhưng lại tụ họp ở tại bếp ăn Tân Sa Châu này để cùng gặp nhau, cùng dùng bữa, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện mình đã gặp trong ngày hôm nay và hễ thấy thiếu một người nào đó, họ lại họi nhau xem ông đó, cô đó hay bà đó sao không đến ăn cơm. Họ đến bếp cơm này và xem nhau như là một gia đình. Dẫu cho cuộc sống có nhiều khó khăn, thế nhưng họ vẫn lạc quan và nở nụ cười với nhau. Nếu như ông bà xưa có câu: “lá lành đùm lá rách.” Thì ở đây tôi lại thấy những chiếc lá rách lại đùm nhau để làm nên một chiếc lá lành to hơn, một chiếc lá che chắn và chứa đựng tình yêu và tình người. Đến với bếp ăn này tôi nhận thấy tình Chúa tình, tình người thật ấm áp. Tôi nhận thấy mình thật may mắn khi được gặp những con người nơi đây để được có cơ hội phục vụ và tiếp xúc với những Kitô hữu đặc biệt này.

    Luca Đỗ Thành Tâm & Phêrô Nguyễn Minh Hoàng

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan