Đào tạo mạng lưới
Caritas TGP Sài Gòn: Tập huấn linh đạo Caritas và công tác bác ái xã hội thực hành cho các thầy Đại Chủng viện Khóa 23
Caritas TGP Sài Gòn đã phối hợp với Ban Đào tạo Đại Chủng viện Sài Gòn (ĐCV) tổ chức khóa tập huấn thứ 17, chủ đề: Linh đạo Caritas và công tác bác ái xã hội thực hành, dành cho 37 thầy Đại Chủng viện Sài Gòn (ĐCV) khóa 23.
Buổi tập huấn trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12-6-2024, sáng từ 8g - 11g15; chiều từ 13g30 - 15g30; tại ĐCV Thánh Giuse, địa chỉ: 6 Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1, Tp HCM.
Mục tiêu nhằm giúp các Thầy hiểu và nắm rõ về Linh Đạo và tinh thần làm việc của Caritas; nắm bắt được các nguyên tắc, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội theo tinh thần của Giáo hội, để áp dụng vào thực tế công việc bác ái tại Giáo hội địa phương.
Ban tổ chức gồm có linh mục (Lm) Giuse Phạm Thanh Bình - Giám đốc Caritas TGPSG, hai Phó Giám đốc Caritas: Lm Phêrô Phạm Kim Quyền, MI và Lm Phêrô Nguyễn Đình Đạm, OP; cùng với Lm Giuse Trần Hoàng Quân - Đặc trách Ơn gọi ĐCV.
Thứ Hai, 10-6-2024
Lúc 8g, sau phút thánh hóa, Lm Giuse Trần Hoàng Quân, đại diện Ban Đào tạo ĐCV, cảm ơn quý Lm Ban Giám Đốc Caritas Sài Gòn (SG) đã tổ chức khóa tập huấn này cho các thầy - những mục tử trong tương lai. Đây là lãnh vực thuộc đức ái Kitô giáo, cốt lõi của hồn tông đồ mà các thầy cần hiểu biết và thực hành Caritas, cần trang bị cho các thầy sẽ đi giúp giáo xứ trong tương lai; giúp các thầy ngày càng trở nên giống Chúa Kitô trong đời sống phục vụ.
Lm Giuse Phạm Thanh Bình đã chào quý cha, quý thầy, trong niềm vui cùng nhau bước vào khóa học ý nghĩa này.
Chủ Đề 1: Tổng quan Linh đạo Caritas; Nội quy - Sứ mạng phục vụ của Caritas là bài học buổi đầu tiên, Lm Giuse Thanh Bình trình bày.
Caritas là một tổ chức Công giáo Tiến hành để cổ vũ việc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô cách thiết thực qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, tật bệnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội. “Hoạt động bác ái chính là trách nhiệm của mỗi tín hữu và cũng là bản chất của Giáo hội Công giáo” (Deus Caritas est, số 20).
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Giám mục VN, Caritas Việt Nam thực hiện các hoạt động bác ái xã hội theo những mục đích sau:
- Thăng tiến và phát triển con người toàn diện.
- Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
- Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội.
- Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.
Linh đạo Caritas: Sống nên thánh qua việc phục vụ bác ái. Nền tảng linh đạo này là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Thiên Chúa là Tình Yêu. Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều quy hướng về tình yêu ấy.”
Caritas Việt Nam có nhiệm vụ giúp HĐGMVN thực hiện các công tác bác ái xã hội theo đúng mục đích và tôn chỉ.
Lm Giuse cũng trình bày sâu về ý nghĩa, tầm nhìn và sứ mạng của Caritas, cách riêng về Caritas TGP Sài Gòn có cơ cấu tổ chức và mạng lưới phủ kín 203 giáo xứ, có 14 giáo hạt; cùng với các hoạt động bác ái đang thực hiện như: Hạt gạo tình thương, Hỗ trợ giáo viên lớp học tình thương, Học bổng cho học sinh nghèo, Chương trình đối ứng, Mái ấm Hà Đông dành cho bệnh nhân nghèo từ tỉnh lên thành phố điều trị, Mái ấm Têrêsa Calcutta, Thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, Chăm sóc sức khỏe cho bênh nhân nghèo vùng ngoại biên, Chương trình mắt sáng cộng đồng, Chương trình nụ cười hạnh phúc, Chương trình đào tạo, Chương trình của mạng lưới, Chương trình thứ Bảy xanh, Chương trình kêu gọi quỹ bác ái nhân ngày quốc tế người nghèo.
Mười bốn chương trình hoạt động Caritas trên, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn… cần sự cộng tác, quan tâm của nhiều thành phần trong Giáo hội. Nhiều ân nhân đã đóng góp quảng đại trong nhiều chương trình của Caritas trong TGP Sài Gòn, tuy nhiên hoạt động chăm lo cho người nghèo về vật chất lẫn tinh thần và thiêng liêng không bao giờ là đủ, bởi vì Lời Chúa vẫn luôn thúc giục: “Các con hãy cho họ ăn”. Xin Chúa ban cho có thêm những tấm lòng quảng đại chung tay, chung sức để Caritas có thể chu toàn sứ mạng Chúa trao.
Lúc 9g30. Lm Micae Trương Thanh Tâm, SJ - đã giúp các thầy phân biệt Công tác từ thiện - Công tác xã hội thực hành và Công tác bác ái xã hội.
Ngài bắt đầu với Tin Mừng Mathêu 25, 31- 46; nói về ngày phán xét cuối cùng, mỗi người sẽ phải ra trước tòa Chúa. Ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ thẩm xét chúng ta về tình yêu cụ thể đối với anh chị em mình “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có ba hình thức giúp đỡ thông
thường sau:
1. Hoạt động từ thiện
2. Hoạt động công tác xã hội (CTXH)
3. Hoạt động công tác bác ái xã hội (CTBAXH) hay công tác Caritas.
Hai hình thức đầu tiên, thường được áp dụng trong xã hội nói chung. Riêng hình thức hoạt động thứ ba: công tác bác ái xã hội là đặc thù và riêng biệt cho Giáo hội Công Giáo và cho tổ chức Caritas.
Định nghĩa đơn giản: “CTXH là giúp người khác bước đi trên chính đôi chân của mình”. “CTXH là cho cần câu chứ không cho con cá”
Công tác bác ái xã hội (công tác Caritas) là công tác có hình thức từ thiện hay công tác xã hội nhưng có động lực là “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14) và hiến mình cho người khác với sự quan tâm chân thành theo Tin Mừng Kitô giáo. Dựa trên thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu (TCLTY số 31a), chúng ta có thể mô tả các đặc tính của công tác BAXH như sau:
- Bác ái Kitô giáo trước tiên là lời đáp trả đơn sơ cho những nhu cầu cấp thời và những hoàn cảnh riêng biệt: cho kẻ đói ăn, cho kẻ ở trần được mặc, chăm sóc và chữa lành bệnh nhân, thăm viếng kẻ bị tù đày v.v…
- Phải có nghiệp vụ và hiến mình cho người khác với sự quan tâm chân thành.
- “Ơn cần được “đào tạo con tim”: chúng ta cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu của chúng ta và mở lòng chúng ta ra cho kẻ khác.” (Thông điệp TCLTY, số 31b).
- Chúng ta khiêm tốn cậy dựa vào Thiên Chúa khi làm việc bác ái xã hội: “chúng ta chỉ là những dụng cụ trong bàn tay của Chúa” (TCLTY, số 35).
- Các tổ chức bác ái xã hội phải được thực hiện trong Giáo Hội Công Giáo (TCLTY, 29) và được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cấp độ phẩm trật của Hội Thánh (TCLTY, 32).
Tóm tắt:
- CT từ thiện là một hoạt động ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp
và nhất thời. CTXH là một loại hình hoạt động dài hạn, theo kế hoạch nhằm đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, CTXH giúp thân chủ vươn lên, được tôn trọng và có thể sống độc lập và tự lập. Do đó, cần có sự nhận định chính xác về hoàn cảnh của đối tượng thụ hưởng, để áp dụng các loại hình giúp đỡ phù hợp. - Sự khác biệt giữa bác ái xã hội (Caritas) với công tác từ thiện và công tác xã hội: Về hình thức làm việc giống nhau, nhưng khác động lực bên trong. Động lực của công tác bác ái xã hội / động lực Caritas là “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14) và Tin Mừng Kitô giáo.
Lm Micae đã cho các thầy xem 2 clip, cho thấy những người trong hoàn cảnh nghèo đói tột cùng, nhưng may mắn thay được người chạnh lòng thương cứu giúp; có người chứng kiến đã phải khóc thét lên vì quá xót thương! Và một câu chuyện nữa được kể - Khỉ và cá.
Các video clip, những câu chuyện và qua thảo luận nhóm; tất cả đều rút ra những bài học quý giá về lòng bác ái, nhu cầu đích thực trong cuộc sống của thế giới con người… Người làm CTBAXH cần có kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc của CTXH chuyên nghiệp, đồng thời thấu hiểu nhu cầu thiết thực, chính đáng về vật chất, tinh thần và thiêng liêng của thân chủ (là cá nhân, nhóm, cộng đồng), nhằm giúp ích cho thân chủ (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), đem lại kết quả đích thực. Nếu không như thế, có thể tưởng là đang giúp họ nhưng thực ra là đang gây tai hại cho thân chủ.
Lm Micae cũng trình bày về: Caritas trên phạm vi toàn cầu của Hội thánh Công giáo (bao gồm 165 thành viên); Caritas Châu lục và Caritas Việt Nam. Hoạt động dưới sự điều hành theo phẩm trật của Hội thánh. Caritas minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa chúng ta, một tình yêu dành cho mọi dân tộc, cách riêng cho những người nghèo khổ. Caritas có nhiệm vụ điều phối, cổ võ việc thực thi bác ái xã hội.
Người làm Caritas cần có trái tim động lòng trắc ẩn của Chúa và có nghiệp vụ chuyên môn; nếu không, người đó chỉ là nhân viên xã hội mà thôi.
Chủ Đề 2: Kỹ năng làm việc chung và thúc đẩy nhóm, do Giảng viên Têrêsa Trần Diễm Châu trình bày, từ 13g00-15g30.
Mục tiêu của bài học:
- Giúp nhận ra lợi ích của việc cộng tác nhóm.
- Xác định những khó khăn, thách thức của cá nhân khi làm việc với người khác;
- Các giải pháp khắc phục;
- Áp dụng một số kỹ năng để xây dựng sự cộng tác, tin cậy nhau trong môi trường làm việc, để cùng nhau thành công.
Nội dung
Tầm quan trọng của kỹ năng làm việc chung thúc đẩy đội nhóm hiệu quả và cách thức cộng tác nhóm hiệu quả.
Phần 1: Tầm quan trọng của kỹ năng làm việc chung thúc đẩy đội nhóm hiệu quả.
Chúng ta đang ở thế giới: - VUCA (cộng đồng dễ biến động, không chắc chắn, phức tạp, và mơ hồ); sau dịch COVID chuyển mình thành thế giới BANI (cá thể mong manh dễ vỡ, bấn loạn bất an, phi tuyến tính và bất khả tri), - Kỷ nguyên công nghệ 4.0, AI, - Chiến tranh, dịch, - Suy thoái kinh tế, - Khoảng cách thế hệ làm việc khó khăn giữa các thế hệ có những đặc tính khác nhau. Vì vậy, mọi người đối mặt với nhiều bất ổn, làm việc với nhau rất khó khăn.
Qua nhiều ví dụ tình huống, giảng viên giúp các thầy phân biệt: cộng tác nhóm và làm việc đội nhóm
- Cộng tác nhóm (phương pháp tiếp cận liên ngành) diễn ra khi những người có kỹ năng khác nhau bổ trợ làm việc cùng nhau trong dự án hoặc nhiệm vụ trên tinh thần tập thể và kết nối thực sự.
- Làm việc đội nhóm (cấu trúc truyền thống) là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện một mục tiêu chung.
Nguyên tắc một cộng đoàn cộng tác: Lắng nghe, tôn trọng, thấu cảm, cộng sinh và có mục tiêu chung.
Lợi ích của cộng tác nhóm hiệu quả: Giảm những rủi ro, những bất đồng - Tăng tinh thần làm việc - Đạt mục tiêu có lợi - Kết nối được với nhau - Có nhiều sáng kiến -Tâm phục.
Vòng tròn 5 C (từ vành ngoài đến tâm) Tương quan của mỗi người trong Giáo hội: Nhóm cộng đồng - Nhóm sống đạo - Nhóm đoàn hội - Nhóm cộng tác - Nhóm nòng cốt.
Các thầy tự suy gẫm làm thế nào thu hút các bạn trẻ tiến gần đến Nhóm nòng cốt? Để xây dựng nòng cốt, theo Abraham Maslow (diễn tả hình tháp). Từ đáy lên đỉnh, nghệ thuật của người dẫn dắt để người tham gia (không dựa vào tiền bạc là mục đích): - Người đó cảm thấy mình thiết yếu - An toàn - Yêu và thuộc về - Họ tự tôn trọng vai trò của họ, cảm thấy mình được phát triển - Thể hiện đúng sứ mạng cuộc đời (đỉnh của tháp).
Abraham Maslow nói: “Muốn lên bậc trên phải thỏa mãn được bậc dưới, càng lên trên càng khó, nhưng nhu cầu cuối cùng (đỉnh của tháp) không cần thỏa mãn bậc dưới.” - các thầy đã cho ý kiến: Đó là nơi đạt được nhờ ơn Thiên Chúa!
Phần 2: Cách thức cộng tác nhóm
Có 3 cách thức: Tôn trọng - Trí thông minh cảm xúc - Giao tiếp kiên định là trái tim của người cộng tác.
Giảng viên đã giải thích chi tiết từng cách thức, giúp các thầy lưu ý khi giúp xứ.
Có 3 kiểu bộc lộ bản thân (trí thông minh giao tiếp): - Nhu cầu đối phương (thụ động) - Nhu cầu bản thân (gây hấn) - Kiên định/trắc ẩn (Sắc xảo và can đảm).
Kiên định trong xung đột:
Chọn phản ứng tích cực nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến đối phương.
Dùng trí thông minh giao tiếp: Khả năng bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình nhằm tác động tích cực đến đối phương.
Giao tiếp kiên định: Giao tiếp kiên định FIBS và giao dịch sát thương 5Đ. Học công thức chuyển câu đánh giá không đồng tình với đối phương, sang giao tiếp kiên định.
Rào cản trong cộng tác nhóm: Thiếu sự ủng hộ của thành viên, giao tiếp kém hay quản lý thiếu hỗ trợ.
Có 6 cách cải thiện sự cộng tác nhóm: Ý thức bản thân trong làm việc nhóm, chiến lược cộng tác, xác định rào cản, mục tiêu rõ ràng, ghi nhận và khen thưởng sự cộng tác, kênh trao đổi thông tin.
Giảng viên dùng phương pháp làm việc nhóm, giúp các thầy cùng làm việc, nhạy bén phân biệt những tình huống trên qua hình ảnh: Sói ra (sát thương đối phương)/ sói vào (sát thương bản thân) hoặc Hươu ra (Đồng cảm đối phương) / hươu vào (đồng cảm bản thân). Những trò chơi sinh động giúp các thầy thể hiện tập trung càng cao, kết quả đạt càng cao.
Thứ Ba, 11/06/2024
Chủ Đề 3: Tiếp cận nhóm người dễ bị tổn thương, do Nt Anna Nguyễn Thụy Diễm Hương (CND), trình bày
Mục tiêu: Trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết giúp các thầy khi đi giúp xứ, trở thành mục tử trong tương lai, sẽ tiếp cận với nhiều người hay nhóm người dễ bị tổn thương.
Giảng viên cho xem clip, các thầy quan sát để nhận ra nhóm người dễ bị tổn thương là những người nào. Họ là những người bị tổn thương về thể chất, tinh thần, về thiêng liêng, là phụ nữ, người già, trẻ em…; từ đó giúp các thầy phân tích: Tâm lý của nhóm người dễ bị tổn thương; Cơ chế phòng vệ của nhóm người dễ bị tổn thương; Điểm mạnh của nhóm người dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các thầy cũng liệt kê nhóm người dễ bị tổn thương trong Kinh Thánh Tân Ước. Từ đó mới có thể áp dụng những nguyên tắc thực hành tiếp cận nhóm người dễ bị tổn thương:
- Nhìn nhận đúng và ý thức về bản thân
- Học và bắt chước Chúa Giêsu (Pl 2, 5 – 8: Hãy có tâm tình như Đức Giêsu)
- Thực hành giáo huấn của Hội Thánh trong cụ thể
- Hưởng nếm kết quả và Tạ ơn.
Chiều 13g30, Nt Anna tiếp tục giúp các thầy trang bị một số kỹ năng cơ bản sử dụng trong tiếp cận nhóm người dễ bị tổn thương: Kỹ năng quan sát, Kỹ năng làm quen và thiết lập tương quan, Kỹ năng lắng nghe tích cực.
Lưu ý: “Nghe sao cho người ta nói
Nói sao cho người ta nghe”
Ngoài ra, cần có kỹ năng đặt câu hỏi. Các thầy học biết về:
- Tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi.
- Các dạng câu hỏi thường sử dụng trong tiếp cận nhóm dễ bị tổn thương
Gợi ý một số câu hỏi mở dùng cho nhiều trường hợp. - Một số vấn đề có thể nảy sinh khi đặt câu hỏi.
- Tạo thói quen kiểm tra trước khi hỏi.
Lời khuyên: Nếu muốn thông minh, bạn hãy học cách hỏi hợp lý, nghe chăm chú, trả lời thông minh và ngừng nói đúng lúc.
Thứ Tư, 12/06/2024
Lúc 8g, Lm Giuse Phạm Thanh Bình đã giới thiệu ông Felicite Nguyễn Đức Tài, một ân nhân của Caritas Sài Gòn, đóng góp trong Chương trình đối ứng 70/30. Ông chia sẻ đề tài: “Phương pháp khám phá các nguồn lực và vấn đề trong giáo xứ / cộng đồng”.
Ông chia sẻ một số trải nghiệm trong kinh doanh và rút ra những bài học: Nếu chúng ta không biết cách làm, sẽ dẫn đến lãng phí. Không có gì mang tính chất miễn phí, những người hưởng miễn phí sẽ không nhận ra giá trị của việc thụ hưởng. Thứ gì miễn phí dễ bị người hưởng xem thường; ngược lại, nếu họ đóng góp vào một chương trình hay dự án nào đó, tức họ thấy được giá trị của sự tham gia vào đó.
Chúa Giêsu đã dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá để hóa bánh ra nhiều. Áp dụng việc làm của Chúa, trong mùa dịch Covid, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse, ông tài trợ các phần gạo miễn phí cho người nghèo nhất (theo danh sách của các giáo xứ). Sau đó, ông theo phương pháp đối ứng 70/30; ông đóng góp 30% và mạnh thường quân nơi các giáo xứ đóng góp 70%, trong số 1000 xuất gạo cho người nghèo trong Giáo phận Sài Gòn.
Ông kêu gọi gia tăng sự tham gia của các giáo xứ, các mạnh thường quân trong giáo phận tham gia vào Chương trình đối ứng.
Mục đích của Chương trình đối ứng nhằm:
- Kích hoạt sự đóng góp của nhiều tấm lòng nhân ái, chung sức lo cho người nghèo trong Giáo phận.
- Gia tăng số người nghèo được thụ hưởng.
Lm PGĐ Caritas Nguyễn Đình Đạm đã đại diện tri ơn tấm lòng quảng đại của ông.
Chủ Đề 4: Linh đạo gây quỹ (Tác giả: Henry J.M.Nouwen), do Lm Phêrô Trương Văn Phúc (SJ) trình bày từ 8g45 - 15g30,
Lm Phêrô có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực bác ái xã hội, ngài chia sẻ cách làm thế nào dấn thân vào bác ái xã hội trước khi dấn thân vào mục vụ: Lời Chúa, Bí tích và đức tin.
Mục đích nhắm đến:
- Tầm nhìn ngắn: Làm cho Nước Chúa trị đến. Đến ban bình an, tình yêu và sự thật. Sứ mạng: theo con đường phục vụ của Chúa Kitô trong tư cách là người phục vụ tông đồ.
- Tầm nhìn chiến lược: Biết chúng ta muốn gì, tại sao, và thực hiện thế nào?
Lm Micae đã chia sẻ một số kinh nghiệm mục vụ bác ái giúp người nghèo: Gặp gỡ người nghèo, quy tụ thành cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo và xây dựng dự án để họ tham gia vào theo khả năng của họ, cầu nguyện cho dự án. Họ đã vui sướng nói: “Cảm ơn cha đã cho chúng con cơ hội để đóng góp vào cộng đồng chúng con thuộc về.”
Ngài đã kể kinh nghiệm qua nhiều dự án để thấy thế nào là gây quỹ: Tạo mối tương quan và nhận thức lòng người. Gây quỹ không chỉ là tiền mà còn là làm cho xã hội được tốt hơn, lòng người được phát triển, tương quan giúp con người dấn thân phục vụ.
Ông Henry J.M.Nouwen đã viết ra “Linh đạo gây quỹ”.
- Gây Quỹ là một hình thức của Sứ Vụ
- Gây Quỹ là mời gọi người khác tham gia tầm nhìn và sứ mạng của mình
- Gây Quỹ là sự hợp tác giữa người xin và người cho để tốt cho cả hai về thiêng liêng.
- Gây Quỹ đụng đến mối tương quan giữa ta với tiền bạc.
- Gây Quỹ yêu cầu ta vượt định kiến chống lại người giàu.
- Gây Quỹ là dấn thân xây dựng cộng đồng.
- Gây Quỹ đặt nền trên việc cầu nguyện và được thực hiện với lòng biết ơn
NHỮNG NHẦM LẪN VÀ PHƯƠNG THỨC TRONG VIỆC GÂY QUỸ
Hướng đến sự bền vững tài chính trong hỗ trợ các dự án xã hội (theo Giáo sư Sujata S. Mukhi). Có 11 nhầm lẫn và ông đưa ra 11 chiêu thức thực hiện.
Ông cũng cho biết gây quỹ là nỗ lực của cả nhóm; phải có kế hoạch gây quỹ, có tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu. Việc gây quỹ tốt khi nhóm phát triển bền vững và sống động. Phải tìm kiếm ân nhân, vì con người luôn muốn chung tay! Điều họ chỉ cần đến là được mời, việc của bạn tạo cơ hội giúp họ góp.
Bốn bước để có sự ủng hộ lớn: xác định nhu cầu về quỹ, lên kế hoạch thời gian gây quỹ, xây dựng mối tương quan, nhận ủng hộ và tiếp tục canh tân tương quan.
Nhưng sự hợp pháp, minh bạch, sổ sách đầy đủ là các chìa khóa thành công của gây quỹ!
Những điều cần lưu ý:
- Gây quỹ là quá trình gầy dựng tình bạn.
- Người ta không cho tiền vì nguyên nhân, nhưng họ cho tiền vì con người có những nguyên nhân.
- Các nhóm cần tiền để sinh thêm tiền.
- Trong khi tìm ân nhân tiềm năng, hay bắt đầu từ những người gần gũi với nhóm trước.
- Luôn biết cám ơn ân nhân.
- Gây quỹ là nỗ lực dấn thân chung của cả nhóm.
- Một sự phối hợp các nguồn hỗ trợ sẽ giúp đạt được tính bền vững tài chính của nhóm.
Buổi tập huấn kết thúc, Lm Giuse Phạm Thanh Bình đã cảm ơn Lm Phêrô đã cho nhiều kinh nghiệm quý báu trong Linh đạo gây quỹ. Xin Chúa ban nhiều hồng phúc cho Lm Phêrô.
Những cảm nhận và cảm ơn của các thầy đại diện
Một số thầy đã chia sẻ cảm nhận qua 3 ngày tập huấn Caritas vừa qua, quý giảng viên đã không chỉ cung cấp những kiến thức, mà còn cho các thầy lãnh nhận được những hoa trái thiêng liêng, thêm sức lực giúp hành trình thực tập hè 1 tháng tại nơi vùng xa xôi, nơi tiếp xúc với những con người dễ bị tổn thương.
Một số thầy đã đại diện bày tỏ lòng tri ơn đến từng vị giảng viên và lời cầu chúc xin Chúa chúc phúc lành cho các vị.
Các thầy cảm ơn Ban tổ chức, Ban Đào tạo đã trang bị cho các thầy có được những bài học thiết yếu trong công tác bác ái xã hội để có thể phục vụ mục vụ trong Giáo hội tốt hơn, theo gương phục vụ của Chúa Kitô.
Sau ba ngày, Chương trình tập huấn Linh đạo Caritas và công tác bác ái xã hội thực hành được kết thúc lúc 16g. Hành trang đã sẵn, ngày mai các thầy lên đường cho 1 tháng hè thực tập nơi vùng xa xôi, nhưng luôn có Chúa đồng hành. Xin Chúa chúc lành cho các thầy và các giảng viên.
♥️♥️♥️ Xem Youtube:
Bài: Tiến Hương (TGPSG)
Ảnh: Quang Nam
Danh Sách Ân Nhân Đóng Góp
26. Danh Sách Đóng Góp Các Dự Án Của Caritas TGP Sài Gòn 11/2024
25. Danh Sách Đóng Góp Các Dự Án Của Caritas TGP Sài Gòn 10/2024
24. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc từ 27/9 - 30/09/2024
23. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 26/09/2024
22. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 25/09/2024
21. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 24/09/2024
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM
Người online: 32 | Tổng lượt truy cập: 3,530,910