• Yêu Thương và Phục Vụ

NGƯỜI TỊ NẠN UCRAINA - “BẤT CỨ NƠI NÀO ANH CHỊ EM TỚI, HÃY TÌM ĐẾN CARITAS”

  • Thứ hai, 10:45 Ngày 20/06/2022
  • NGƯỜI TỊ NẠN UCRAINA - “BẤT CỨ NƠI NÀO ANH CHỊ EM TỚI, HÃY TÌM ĐẾN CARITAS”

    Khi Caritas của Cộng hoà Lithuania tiếp tục cung cấp viện trợ dài hạn cho những người tị nạn Ucraina, Giám đốc Truyền thông của Caritas Vilnius cho biết các linh mục Công giáo ở Ucraina khuyên mọi người hãy tìm đến Caritas để được hỗ trợ, bất kể họ phải di dời đến quốc gia nào.

    2022.05.11 Volontarie della Caritas di Vilnius

    Kể từ khi Nga xâm lược Ucraina vào ngày 24 tháng 2, Cộng hoà Lithuania cho đến nay đã chào đón khoảng 55.000 người tị nạn từ nước láng giềng Ucraina, hiện một số đã bắt đầu trở về nhà.

    Caritas tại Lithuania đã tìm cách đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn Ucraina, cung cấp viện trợ lương thực, quần áo và tìm nơi trú ngụ.

    Cô Ernesta Karnilaitė, Giám đốc Truyền thông của Caritas Vilnius, ở thủ đô Litva, đã có buổi nói chuyện với Svitlana Dukhovych của Vatican News về công việc của tổ chức này với những người tị nạn Ucraina.

    Chăm sóc cho những người bị thương tổn

    Cô Ernesta cho biết sự hỗ trợ đã đáp ứng những nhu cầu tức thì — chẳng hạn như quần áo, giày dép, khăn trải giường hoặc khăn tắm — vì nhiều người đến đây với rất ít vật dụng hàng ngày.

    Caritas cũng trợ giúp ở mức độ chuyên sâu hơn với hình thức chăm sóc đặc biệt dành cho những người đang bị tổn thương về tình cảm hoặc tâm lý.

    Cô Ernesta nói: “Caritas giúp đỡ về vật chất, sau đó là giúp đỡ về mặt tinh thần cho những người đã phải chịu đựng những kinh nghiệm đau thương, có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc của những tổn thương sâu sắc.”

    Tổ chức bác ái của Giáo hội địa phương thậm chí còn có một nơi mà trẻ em có thể chơi với nhau hoặc giao lưu với các tình nguyện viên Caritas.

    Liên kết với từng gia đình

    Cô Ernesta cho biết sự hỗ trợ từ trung tâm Caritas ở Vilnius đã lan tỏa ra đến 10 giáo xứ trong Tổng giáo phận.

    Các gia đình trong giáo xứ có thể đăng ký “Chương trình Tình bạn giữa Gia đình”, chương trình liên kết các gia đình Ucraina và Litva để có những giây phút trò chuyện cùng nhau.

    Cô nói: “Họ có những khoảng thời gian để xây dựng tình bạn và các hoạt động thư giãn, các gia đình ở Litva cũng đưa ra nhiều lời khuyên liên quan đến các vấn đề xã hội, như cách đến bệnh viện hoặc liên hệ nha sĩ.”

    Theo cô Ernesta, kể từ khi Litva trải qua nhiều thập kỷ bị Liên Xô chiếm đóng trước năm 1991, hiện nhiều người cảm thấy có mối quan hệ họ hàng với người Ucraina.

    “Những người thân của chúng tôi ở thế hệ trước không cần trực tiếp trải nghiệm chiến tranh, bởi vì họ có cảm nhận chính xác về những gì đang diễn ra ở Ucraina. Người dân Litva đang chào đón những người Ucraina với trái tim rộng mở và cung cấp tất cả sự hỗ trợ mà họ cần. Điều này đang liên kết chúng tôi.”

    Tin cậy vào Caritas

    Giám đốc Truyền thông của Caritas Vilnius kể lại một câu chuyện mà cô đã nghe từ một số người tị nạn Ucraina nói rằng, nhiều linh mục Công giáo ở Ucraina đã nói với mọi người: “Bất cứ nơi nào anh chị em tới, hãy tìm đến Caritas.”

    Cô Ernesta nói rằng sự thực cho thấy “mọi người đã tin tưởng Caritas đến mức nào”, đồng thời nói thêm rằng cơ quan bác ái hoạt động như “một ngôi sao mai” giúp mọi người nhận thấy mối bận tâm cụ thể của Giáo hội.

    Cô cho biết có khoảng 150-250 người đến trung tâm Caritas Vilnius mỗi ngày để nhận các đồ dùng trợ cấp, đặc biệt là quần áo.

    Cầu nguyện, khí giới mạnh mẽ nhất của chúng ta

    Cô Ernesta đã mô tả trải nghiệm giúp đỡ những người tị nạn, điều đã thay đổi cuộc sống của cô. Cô viết trong một lưu bút: “Tôi là một người trẻ. Tôi chưa gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, khi nhìn thấy những người Ucraina, điều này đã tác động rất nhiều, ngay lập lức chúng tôi cảm thấy chúng tôi là anh chị em của nhau.”

    Cô lưu ý rằng kinh nghiệm này đã từng làm lung lay đời sống cầu nguyện của cô. Nhưng trong thời khắc khó khăn, cô Ernesta nhớ lại lời của Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Vilnius: “Hãy cầm lấy khí giới mạnh mẽ nhất trong kho khí giới của bạn và sử dụng thường xuyên: đó là cầu nguyện.”

    Văn Cương, SJ – Vatican News

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan