• Yêu Thương Và Phục Vụ

CARITAS ĐÀ LẠT: TUẦN LỄ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH “CHÚNG TA CÙNG NHAU - TOGETHER WE”

  • Thứ ba, 11:17 Ngày 04/10/2022
  • CARITAS ĐÀ LẠT: TUẦN LỄ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH “CHÚNG TA CÙNG NHAU - TOGETHER WE”

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Caritas quốc tế, cũng như Ban chiến dịch của Caritas Việt Nam. Từ ngày 26.09 đến 30.09.2022, Caritas Đà Lạt đã tổ chức Tuần lễ phát động Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau”, nhằm gây ý thức và mời gọi mọi người cùng chung tay chăm sóc Ngôi Nhà Chung.

    Lý do phát động chiến dịch này, vì sự xuống cấp của Ngôi Nhà Chung và mối nguy hại của đại dịch toàn cầu, gây tác động không cân bằng với hết mọi người, nhất là với người nghèo, người vô gia cư và những người dễ bị tổn thương. Chính vì thế mà chiến dịch đã chọn khẩu hiệu: “Hành động hôm nay vì một ngày mai tươi đẹp hơn.”

    Ban chiến dịch đã chia Giáo phận Đà Lạt thành 5 khu vực tương ứng với 5 buổi gặp gỡ. Ngày đầu tiên gồm 2 Giáo hạt: Di Linh và Đức Trọng, được tổ chức tại Giáo xứ Tùng Nghĩa. Ngày thứ hai là Giáo hạt Madagui, được tổ chức tại Giáo xứ Đạ Tẻ. Ngày thứ ba là Giáo hạt Bảo Lộc, được tổ chức tại Giáo xứ Tân Rai. Ngày thứ tư là 2 Giáo hạt: Đơn Dương và Đà Lạt, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt. Ngày cuối cùng là Giáo hạt Đạ Tông, được tổ chức tại Giáo xứ Phi Liêng.

    Ban chiến dịch có sự đồng hành của cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, Phụ tá giám đốc Caritas Việt Nam và là Trưởng ban Chiến dịch “Together we” của Caritas Việt Nam; sơ Anna Trần Thị Hằng, Trưởng ban Chiến dịch của Caritas Đà Lạt và một số cộng tác viên khác.

    Nội dung của buổi phát động gồm 4 phần được gói gọn trong một buổi sáng: 1) Giới thiệu chiến dịch “Chúng ta cùng nhau”, hun đúc lửa dấn thân hành động trên nền tảng thần học và tính cấp thiết của môi sinh, giới thiệu chiến dịch 3 năm của Caritas Đà Lạt; 2) Lắng nghe tiếng kêu của môi sinh và của người nghèo, chia sẻ những tâm tình cá nhân và nhóm về những thao thức trước tiếng kêu ấy; 3) Một số Mô hình chăm sóc Ngôi Nhà Chung tiêu biểu; 4) Gợi ý những hành động cụ thể và giải đáp những thắc mắc của tham dự viên.

    Phần 1, Cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường giới thiệu cho tham dự viên biết về Chiến dịch. Cha giải nghĩa logo gồm các bàn tay sắc màu khác nhau nắm chặt nhau xung quanh trái đất cho thấy rằng, mọi người khắp Năm Châu cùng nhau chăm sóc Trái Đất – Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Cha nhấn mạnh Trái Đất của chúng ta là Ngôi Nhà Chung, vì thế cần được chăm sóc và bảo vệ. Chăm sóc vừa dành cho môi sinh và vừa dành cho người nghèo. Đặt nền tảng trên 2 thông điệp: Laudato Si’ và Fratelli Tutti, Caritas quốc tế đã tổ chức Chiến dịch này nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Caritas (12.12.2021).

    Chiến dịch mời gọi chúng ta cùng nhau hành động trong 3 năm (2021-2024). Năm thứ nhất nhằm gây ý thức cho mọi người nhận biết Ngôi Nhà Chung của chúng ta đang xuống cấp, vì thế cần ý thức để bảo vệ bằng những hành động cụ thể. Năm thứ hai có những hành động ở mức độ địa phương và toàn cầu. Năm thứ ba lượng giá và mời gọi hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

    Vậy tham gia Chiến dịch này bằng cách nào? Mỗi giáo phận cần thiết lập các cộng đồng chăm sóc ở địa phương, để quan tâm đến Ngôi Nhà Chung, chăm sóc người nghèo, liên đới cách cụ thể với những người bên lề xã hội và những người dễ bị tổn thương nhất. Cần có những hành động thiết thực, thay đổi lối nghĩ, mặc lấy lối nghĩ chung chứ không phải cá nhân; hướng đến một sự hoán cải sinh thái toàn diện. Cộng đồng chăm sóc này không chỉ là những người Kitô hữu, nhưng còn là mọi người. Cần đẩy mạnh tinh thần Caritas trong mỗi giáo xứ, vì đó là tinh thần căn bản của Kitô giáo và làm cho đức ái Kitô giáo được triển nở. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: "một sự sáng tạo mới của bác ái như là một công cụ mục vụ của xã hội và Giáo hội".

    Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã tạo dựng Vườn Eden ban đầu thật tốt đẹp và trao cho con người làm chủ (nghĩa là cai quản, chăm sóc, bảo vệ và yêu thương), nhưng do tội lỗi nhập vào nên con người lạm dụng tự do và phá huỷ bầu khí tốt đẹp ấy. Câu hỏi trọng tâm được đặt ra: “Bạn muốn thế hệ tương lai sống trong một thế giới như thế nào?” Ta hãy xét lại chính mình: “Tôi đã làm gì với Mẹ Thiên Nhiên, trong tương quan với mọi loài, trách nhiệm của tôi ra sao?” Dụ ngôn về người Samaritano đẩy chúng ta đến khả năng xót thương và dành tình yêu thương cho những người lạ trên đường. Câu hỏi dành cho ta sẽ là: “Ai là người thân cận của tôi?” “Bạn đồng cảm với ai trong số những người này?” Câu chuyện về người Samaritano nhân hậu vẫn còn diễn ra hôm nay. Có nhiều người vẫn còn thờ ơ, dửng dưng; mỗi chúng ta có là người Samaritano nhân hậu không? Cách hành xử duy nhất mà chúng ta được mời gọi là nên giống với người Samaritano nhân hậu này, để nâng đỡ, ủi an và chăm sóc những người cần đến chúng ta nhất. Chúng ta hãy hành động cho một tương lai biến đổi và rộng mở, hiệp thông, tham gia và đồng nghị. Một tình yêu không có sự phân biệt.

    Cuối cùng, ba điểm cần nhớ: 1) Nâng cao ý thức và ngăn chặn những hành động nguy hại đến môi trường: tránh mua sắm hoặc tiêu thụ những sản phẩm phá hoại môi trường (x.LS 210). 2) Học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống ngay từ trong gia đình; sử dụng đồ vật cách đúng đắn, ngăn nắp, sạch sẽ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thụ tạo (x.LS 213). 3) Chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên như quà tặng quý báu của Thiên Chúa, nhờ đó tránh được lạm dụng khi sử dụng chúng (x.LS 215).

    Phần 2, trước tiên các tham dự viên được gây ý thức về lời mời gọi của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội về việc lắng nghe tiếng kêu của các thụ tạo và của người nghèo. Tham dự viên được giúp để mở rộng trái tim lắng nghe trong những cảnh huống cụ thể. Sau khoảng 3 phút thinh lặng hồi tâm, các tham dự viên bắt đầu chia sẻ tại chỗ theo cặp, về tiếng kêu nào rõ nhất mà tôi nghe thấy trong môi trường tôi đang sống. Sau khi kết thúc chia sẻ tại chỗ, mọi người được mời gọi chia sẻ chung trong nhóm lớn. Có lẽ đây là phần gây tác động đến tâm hồn của cử toạ nhất. Có những tiếng kêu làm ray rứt trong trái tim của những người tông đồ. Những giọt nước mắt rơi xuống, nghẹn ngào không sao nói nên lời trước nỗi thống khổ của anh chị em đồng loại; cảm thấy đau đớn và bất lực trước sự xuống cấp của môi sinh. Những tiếng kêu, những tiếng rên rĩ của người nghèo làm thổn thức trái tim của người làm bác ái. Đó cũng chính là tiếng kêu mời của Thiên Chúa, tiếng đó tiếp tục lay động và thôi thúc trái tim của mỗi chúng ta để đáp lời. Tạ ơn Chúa vì những lời chia sẻ chân thành của các tham dự viên, những lời ấy làm cho cử toạ ấm lòng vì tình bác ái, tình nhân loại; đó là nét đẹp của tình yêu.

    Phần 3 là giới thiệu một số Mô hình chăm sóc Ngôi Nhà Chung như: cầu nguyện chung cho thụ tạo, chia sẻ học hỏi về Laudato Si’; mô hinh Giáo xứ không rác; mô hình cà phê để cỏ (nói không với thuốc diệt cỏ); tổ hợp tác làm măng khô gây quỹ giúp người nghèo; mô hình bếp ăn tình thương trong các bệnh viện (không xả rác); mô hình tận dụng lại các chai nhựa để trồng cây, xây nhà hoặc tái chế; mô hình khuyến khích dùng năng lượng mặt trời; trồng cây xanh; vét mương nước và thu gom rác; thăm viếng người già neo đơn,… Đây chỉ là những mô hình tiêu biểu mà Ban chiến dịch giới thiệu để tham khảo. Tuy nhiên, mỗi một địa phương tuỳ vào bối cảnh của mình mà có những sáng kiến khác nhau để chăm sóc môi sinh và người nghèo.

    Phần cuối, mỗi giáo xứ được mời gọi ngồi lại chung với nhau, bàn thảo và ghi ra những việc làm thật cụ thể trong khả năng, để bảo vệ môi sinh và chăm sóc người nghèo. Đây như một sự cam kết dấn bước của tập thể giáo xứ để “hành động hôm nay vì một ngày mai tươi đẹp hơn.” Chỉ trong một buổi vỏn vẹn, các tham dự viên đã được giúp để ý thức hơn rất nhiều về lời mời gọi của Hội Thánh về chăm sóc Ngôi Nhà Chung. Ước chi những tâm tình có được nơi mỗi tham dự viên sẽ được Thiên Chúa ươm mầm, dưỡng nuôi và chúc phúc để trở nên sinh hoa kết trái. Như lời Đức Thánh Cha nói: …tiếng kêu của trái đất và của người nghèo không thể làm chúng ta chờ lâu hơn được nữa… Thiên Chúa thì luôn tha thứ, con người thỉnh thoảng tha thứ, nhưng thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ. Mỗi người với tất cả trách nhiệm hãy yêu mến và chăm sóc xứ sở và quê hương của chúng ta.

    Tuần lễ phát động Chiến dịch “Chúng ta cùng nhau” được khép lại tại Giáo xứ Phi Liêng, Hạt Đạ Tông. Điều còn đọng lại là tâm tình tin tưởng, hy vọng và lòng biết ơn.

    Minh Cao

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan