• Yêu Thương và Phục Vụ

NĂM 2023 – KHU VỰC CHÂU Á BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ BỞI THẢM HỌA KHÍ HẬU

  • Thứ năm, 08:45 Ngày 02/05/2024
  • Liên Hiệp Quốc xác định châu Á là khu vực bị ảnh hưởng khí hậu nặng nề nhất trên thế giới, có mức độ nóng lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ cao hơn gần 2°C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990.

     (Ảnh từ pixabay.com)

    Báo cáo mới nhất từ cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên hợp quốc, Châu Á “khu vực trên thế giới bị tác động, bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thảm họa khí hậu” trong năm 2023, như lũ lụt và bão đã gây ra nhiều thương vong và thiệt hại kinh tế nhất.

    Trong báo cáo, Celeste Saulo, Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho biết: “Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức nghiêm trọng của các tác động đó, gây ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống”.

    Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. WMO nhấn mạnh tác động của các đợt nắng nóng tại Châu Á ngày càng trở nên nghiêm trọng, đồng thời cho biết thêm sự tan chảy của sông băng, đặc biệt tại dãy Himalaya, đe dọa đến an ninh nguồn nước của khu vực. Hơn nữa, nhiệt độ khu vực Châu Á nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu vào năm ngoái, với nền nhiệt độ cao hơn gần 2°C so với mức trung bình giai đoạn 1961-1990.

    Hệ quả nghiêm trọng phía trước

    Báo cáo nhấn mạnh: “Năm 2023, nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua một năm nóng kỷ lục, đi cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão”. Báo cáo Hiện trạng Khí hậu Châu Á, năm 2023, nhấn mạnh sự gia tăng nhanh chóng của các chỉ số chính về biến đổi khí hậu như nhiệt độ bề mặt, sự tan chảy sông băng và mực nước biển dâng, đồng thời cho biết chúng sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng đến xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.

    Nhiệt độ cận bề mặt trung bình hàng năm tại Châu Á trong năm 2023 đạt mức cao thứ hai từng được ghi nhận, cao hơn 0,91°C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 1,87°C so với mức trung bình giai đoạn 1961-1990. Nhiệt độ trung bình đặc biệt cao được ghi nhận từ Tây Siberia đến Trung Á và từ Đông Trung Quốc đến Nhật Bản, trong đó Nhật Bản đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục.

    Sự tan chảy nhanh chóng của sông băng

    Về lưu lượng mưa, lượng mưa ở dãy Himalaya và dãy núi Hindu Kush ở Pakistan và Afghanistan được ghi nhận ở mức dưới mức bình thường. Trong khi đó, phía tây nam Trung Quốc phải hứng chịu nạn hạn hán, có lượng mưa dưới mức bình thường hầu như các tháng trong năm.

    Khu vực núi cao ở Châu Á, tập trung tại cao nguyên Tây Tạng, là nơi chứa khối băng lớn nhất bên ngoài các vùng địa cực. WMO cho biết trong vài thập kỷ qua, hầu hết các sông băng này đã tan chảy và tốc độ tan chảy ngày càng nhanh. Hai mươi trong số 22 sông băng được giám sát trong khu vực cho thấy khối lượng sông băng liên tục bị mất đi vào năm ngoái.

    Báo cáo cũng lưu ý rằng nhiệt độ bề mặt nước biển tại tây bắc Thái Bình Dương vào năm 2023 ở mức cao nhất từng được ghi nhận.

    Lũ lụt và bão

    Năm ngoái, 79 thảm họa liên quan đến hiểm họa khí tượng thủy văn đã được báo cáo tại Châu Á. Trong đó, hơn 80% là lũ lụt, bão đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Chín triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

    WMO nhấn mạnh: “Lũ lụt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các thảm hoạ được báo cáo vào năm 2023”, đồng thời lưu ý rằng khu vực Châu Á, nơi vẫn có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động thiên tai. Sau một cơn cuồng phong, Hồng Kông đã ghi nhận lượng mưa 158,1 mm trong một giờ vào ngày 7 tháng 9 năm 2023, mức ghi nhận kỷ lục kể từ mức ghi nhận bắt đầu từ năm 1884.

    WMO nhấn mạnh tính cấp thiết của hệ thống khí tượng quốc gia trong khu vực trong việc tạo ra dữ liệu nhằm cảnh báo tốt hơn về mức độ rủi ro. Saulo nói: “Điều bắt buộc là các hành động và chiến lược của chúng ta cần phản ánh được tính cấp bách tại thời điểm này”. "Việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với hiện tượng khí hậu không chỉ đơn thuần là một lựa chọn mà còn là một qui luật tất yếu."

    Nguồn: https://international.la-croix.com/laudato-si/asia-hit-hardest-by-climate-catastrophes-in-2023

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan