• Yêu Thương và Phục Vụ

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC NHẬT BẢN NÓI VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ CARITAS

  • Thứ tư, 08:28 Ngày 19/06/2024
  •  
    Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi của Tổng Giáo phận Tokyo phát biểu trong cuộc họp báo về phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican ngày 20 tháng 10 năm 2023. (Ảnh: Lola Gomez/CNS.)

    Tác giả: Nirmala Carvalho

    MUMBAI, Ấn Độ – Biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, sự ô nhiễm và mất đa dạng sinh học là một “lời nhắc nhở mạnh mẽ về nhu cầu cấp thiết phải cùng hành động chung nhằm bảo vệ và bảo tồn hành tinh của chúng ta cho các thế hệ tương lai”, lời Đức Tổng Giám mục Nhật Bản Isao Kikuchi, Tổng Giáo phận Tokyo, Chủ Tịch Caritas Quốc tế.

    Phát biểu tại Hội nghị các Đối tác Caritas Châu Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, ngày 12 tháng 6, Đức TGM Kikuchi cho biết tiếng kêu cứu của người nghèo, “thể hiện qua sự nghèo đói, bất bình đẳng, di dời và bị gạt ra ngoài lề xã hội, kêu gọi chúng ta cần giải quyết những nguyên nhân sâu xa gây ra đau khổ cho con người và xây dựng xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn và toàn diện hơn.”

    Nói với Crux , Đức Tổng Giám mục cho biết biến đổi khí hậu “không phải là câu chuyện hư cấu mà đây là thực tiễn của người dân Châu Á, đặc biệt những người đang gặp khó khăn về mặt xã hội và nghèo đói, đó cũng là sự thấu hiểu của cả bên tài trợ và bên nhận của các thành viên Caritas và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tôn trọng nguyên tắc quan hệ đối tác Caritas và trên thực tế đó là tính hiệp hành”.

    Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục lưu ý nhiều quốc gia tại Châu Á đang phải vật lộn với vô số thách thức về môi trường.

    “Ví dụ, tại Indonesia, quốc gia nổi tiếng về đa dạng sinh học, hiện đối mặt với các mối đe dọa đáng kể từ nạn phá rừng, đặc biệt tại các khu vực như Sumatra và Kalimantan”, Đức TGM Kikuchi chia sẻ.

    “Tại Ấn Độ, quốc gia hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường. Nạn phá rừng do đô thị hóa và phát triển nông nghiệp gây ra mối đe dọa đối với môi trường sống, tình trạng ô nhiễm không khí và nước cũng là thách thức và gây nguy hiểm cho hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe con người”, Đức Tổng Giám mục tiếp tục.

    “Tại Bangladesh, một loạt các thách thức về môi trường, bao gồm nạn phá rừng, ô nhiễm và tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đã để lại những vết sẹo trên trái đất, gây ra rủi ro cho cả sức khỏe con người và hệ sinh thái”, Ngài nói.

    “Tại Trung Á, Kazakhstan đang vật lộn với tình trạng sa mạc hóa, khan hiếm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Biển Aral bị thu hẹp dẫn đến tình trạng sa mạc hóa Vịnh Aral, gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và hệ sinh thái. Các khu vực đô thị bị ô nhiễm không khí từ các hoạt động công nghiệp và khí thải của phương tiện giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường”, Ngài nói thêm.

    Nói về đất nước Nhật Bản của mình, Đức TGM Kikuchi chia sẻ mặc dù là quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng nước này cũng phải đối mặt với các thách thức về môi trường, như ô nhiễm không khí và nước, nạn phá rừng và sự mất đa dạng sinh học.

    “Bạn có thể nghĩ rằng nhờ có công nghệ tiên tiến, vậy nên đất nước tôi không bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Tất nhiên điều đó là không đúng, vì ngược lại, đất nước chúng tôi cũng dễ bị tổn thương như bất kỳ quốc gia nào khác bị đe dọa do bởi cả thiên tai và do con người gây ra, cũng như sự suy thoái về môi trường”, Đức Tổng Giám mục nói.

    Đức Tổng Giám mục cho biết các ví dụ điển hình đã nhấn mạnh “chân lý phổ quát” rằng việc quản lý yếu kém về môi trường chắc chắn sẽ không có giới hạn và ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể quốc tịch hay vị trí địa lý nào.

    Tuy nhiên, Ngài khẳng định các điển hình đó cũng đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc lắng nghe và đáp lại “tiếng kêu cứu của hành tinh mà chúng ta dành cho các thế hệ tương lai”.

    Đức TGM Kikuchi nói: “Chỉ thông qua hành động chung và sự cam kết kiên định, chúng ta mới có thể giải quyết được những thách thức cấp bách về môi trường mà thế giới chúng ta hiện đang phải đối mặt”.

    Sau đó, Chủ Tịch Caritas Quốc tế chuyển sang ý niệm chung của tính hiệp hành được Đức Thánh Cha Phanxicô cổ võ. Thượng Hội đồng kế tiếp về tính hiệp hành sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

    Đức Tổng Giám mục cho biết điều cốt lõi trong đặc tính của tính hiệp hành là sự thực hành việc chăm chú lắng nghe – điều mà ngài gọi là “sẵn lòng mở rộng con tim và tâm trí chúng ta đón nhận các tiếng nói và quan điểm khác biệt trong cộng đồng nhân loại”.

    “Khi làm như vậy, chúng ta tôn vinh phẩm giá và giá trị vốn có của mỗi cá nhân, ghi nhận những món quà và sự nhận thức độc đáo mà họ mang đến. Thông qua cuộc đối thoại gặp gỡ này, chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những thách thức phức tạp mà chúng ta phải đối mặt và nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với nhau”, Đức TGM Kikuchi nói.

    “Tính hiệp hành cũng kêu gọi chúng ta đón nhận sự hòa nhập và lòng mến khách, tạo không gian để mọi tiếng nói đều được lắng nghe và tôn trọng. Tính hiệp hành mời gọi chúng ta vượt qua những rào cản về chủng tộc, quốc tịch và hệ tư tưởng, và chào đón người xa lạ như một thành viên đáng trân trọng trong gia đình nhân loại chung của chúng ta,” ngài tiếp tục.

    Ngài nói: “Theo cách này, tính hiệp hành trở thành một sức mạnh hùng cường để biến đổi xã hội, cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và tình liên đới vượt biên giới và ranh giới”.

    Nguồn: https://cruxnow.com/church-in-asia/2024/06/japan-archbishop-speaks-about-environmental-issues-at-caritas-meeting

    Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan