• Yêu Thương và Phục Vụ

BAN DI CƯ AN TOÀN: ĐẾN VỚI CÁC EM DÂN TỘC THIỂU SỐ

  • Thứ sáu, 08:33 Ngày 05/08/2022
  • BAN DI CƯ AN TOÀN: ĐẾN VỚI CÁC EM DÂN TỘC THIỂU SỐ

    Ngày 26 tháng 07 vừa qua, dưới sự đồng hành và hỗ trợ của quý Cha Saledieng thuộc Phụ tỉnh miền Bắc, Ban di cư an toàn và phòng chống buôn người đã có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, và chia sẻ đề tài về thực trạng buôn bán người và kỹ năng phòng vệ cho 109 em thuộc các khu vực Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phờ, Mường Hoa, Sử Pán, Bản Toong, Bản Phùng, và Bản Lếch thuộc tỉnh Lào Cai, Giáo phận Hưng Hoá. 

    Đa số các em thuộc dân tộc H’mong, từ cấp 1 đến cấp 3 đã được quý Cha quy tụ về Giáo xứ Sapa, trung tâm trẻ Sử Pán, và chuẩn xứ Cam Đường để các em có cơ hội học tập, trao dồi kỹ năng, và học hỏi giáo lý chuẩn bị lãnh Bí tích. Theo Cha Giuse Nguyễn Bình Trọng, SDB. Phụ tá chuẩn xứ Cam Đường cho biết: “trong những tháng hè, để các em có cơ hội vui chơi, học hỏi thêm những kiến thức và kỹ năng bổ ích và tránh những rủi ro khi không có người lớn bên cạnh, chúng tôi quy tụ các em về giáo xứ, trung tâm trẻ để các em được học, được vui chơi, được rèn luyện. Có các Cha, các Dì và các tình nguyện viên, các em được chăm sóc và thăng tiến bản thân hơn.” 

    Qua những câu chuyện, hình ảnh, và kiến thức rất căn bản về nạn buôn bán người và những ví dụ cụ thể về trẻ bị dụ dỗ bán sang biên giới, Sr. Maria Trần Thị Bích Trâm, FMA đã gợi lên trong các em những nguy hiểm, mối đe doạ về thực trạng này để các em đề cao cảnh giác và biết cách bảo vệ bản thân. Đối với nhiều em, đây là vấn đề chưa được nghe bao giờ và tưởng rằng mình đang sống trong một môi trường khá an toàn và bảo đảm. Nhưng thực tế, Lào Cai được xác định là một trong các tỉnh trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người. Lợi dụng yếu tố về địa lý núi liền núi, sông liền sông, giao lưu buôn bán và văn hoá thăm thân,…các đối tượng đã cấu kết, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người qua biên giới, nhất là hoạt động dụ dỗ, lừa gạt đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam sang Trung Quốc. 

    Với những hình ảnh được minh hoạ trong tờ rơi và những con số thực tế, các em bắt đầu nhận ra đây là một vấn đề nguy hiểm đang xảy ra và cần đề cao cảnh giác. Từ cảm giác lạ lẫm các em mạnh dạn hơn, cởi mở hơn để kể những câu chuyện về chính bản thân đã từng bị người lạ dụ dỗ và ngay chính những người thân trong gia đình cũng đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Cha Giuse Nguyễn Văn Phúc, SDB phụ trách trung tâm trẻ Sử Pán đã nói “các em dân tộc ở đây thiệt thòi lắm, các em thiếu thốn cả vật chất lẫn kiến thức căn bản, nếu được các Cha, các Dì dạy dỗ, chia sẻ cho điều gì đã là điều rất may mắn cho các em.”

    Vì thế, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân là một trong những hoạt động cần thiết và cấp bách. Đặc biệt, trẻ em và giới trẻ là những đối tượng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ chính mình, góp phần đẩy lùi bước chân của những kẻ buôn bán người, đem lại bình an, yên ổn cho gia đình và xã hội. Đây là mối quan tâm hàng đầu của những nhà truyền giáo đang âm thầm phục vụ nơi mảnh đất hoang sơ này. 

    Chứng kiến những vất vả, lao nhọc của quý Cha Saledieng, quý Dì tại vùng đất truyền giáo, tôi càng xác tín hơn lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô”. Thực thế, họ đang âm thầm ra đi đến những “vùng ngoại vi” với tất cả cõi lòng của người Mục tử sẵn sàng “mang lấy mùi chiên”. Sự quảng đại phục vụ của họ đang làm cho Chúa Kitô sống lại một lần nữa trong cõi lòng những con người nhỏ bé nơi đây. 

    Ban Di Cư An Toàn và Phòng Chống Buôn Người - Caritas Việt Nam

  • Hình ảnh
  • Bài viết liên quan